Với câu chuyện này, không ít tỏ ra nghi ngờ vào những con số mà nam sinh Sài Gòn đưa ra.
Trong thời điểm mà người người, nhà nhà đều đầu tư chứng khoán, đi đến nơi đâu cũng chỉ lo sàn ngày hôm nay có màu gì, rõ ràng đa số đã tự coi đây là cách để tăng thêm thu nhập thụ động. Ngoài ra, cũng có một số ít dư dả tài chính nên muốn đầu tư đa dạng.
Ngày 8/12 vừa rồi, câu chuyện về một nam sinh 16 tuổi sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh chốt lời chứng khoán hơn 100 triệu đồng sau 6 tháng đầu tư được chia sẻ trên VnExpress đã “gây sốt” MXH. Nguyễn Quốc đến với lĩnh vực này vì yêu thích kinh tế từ lâu và sau đó được một người cậu hướng dẫn mở tài khoản ngay từ hồi lớp 10.
Bí quyết mua mã chứng khoán của Quốc là mua vì thu hút bởi tầm nhìn của ban lãnh đạo và uy tín của thương hiệu. Là mua vì cảm thấy thỏa mãn khi sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp đó hoặc mua vì nhận thấy họ đang kinh doanh sản phẩm mà người dân nào cũng cần sử dụng. Quốc cho hay bản thân tham gia vào thị trường này vào đúng lúc chứng khoán đang có những tín hiệu tốt.
Quốc đã đọc khá nhiều sách để tìm hiểu cặn kẽ lĩnh vực chứng khoán. Thậm chí, cậu còn có một quyển vở riêng để ghi chép lại những thuật ngữ khó và chẳng e ngại tra Google. Quốc hay kết bạn với các anh chị sinh viên kinh tế để học hỏi, chia sẻ kiến thức cũng như mượn các tài liệu tham khảo.
Theo đó, nam sinh này đã lấy số tiền từ việc bán đi những món đồ không cần thiết và không sử dụng nữa, tiền lì xì cũng như lợi nhuận kinh doanh online vào tháng 6/2020 để mua 9 mã cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng, bán lẻ, dầu khí… Được biết, đây là các mã thuộc nhóm bluechip. Quốc duy trì giữ nhóm cổ phiếu này liên tiếp đến cuối năm và nhận về lợi nhuận hơn 100 triệu đồng sau khi bán ra với mức lợi nhuận trung bình 27% trong 6 tháng.
Mặc dù vậy, không có con đường nào trải đầy hoa hồng cả. Đầu tháng 4/2021, sau khi Quốc mua vào 7.500 cổ phiếu MBB, 9.500 cổ phiếu SSI và 12.500 cổ phiếu STB, thị trường bắt đầu “tụt dốc không phanh” do tác động của làn sóng dịch lần thứ tư. Do tâm lý chi phối nên Quốc quyết định bán toàn bộ lượng cổ phiếu trên, chấp nhận lỗ hơn 70 triệu đồng.
Dưới bài viết về Quốc, không ít người tỏ ra nghi ngờ vào câu chuyện của nam sinh này. Một số đã bình luận:
– Vốn chưa tới 400 triệu mà mua đến 9 mã thì cũng chỉ là F0, không biết giờ trả hết cho thị trường chưa.
– 2 năm dịch bệnh, tiền mặt nhiều nên dân đổ xô chơi chứng khoán, nhiều mã “trà đá” cũng ăn theo dù làm ăn vẫn bết bát, nhiều mã “bluechip” chẳng có chút dấu hiệu tích cực nào trong kinh doanh mà cổ phiếu cũng lên giá. Tóm lại, thị trường lên thì ít nhiều ăn theo cũng có tí lãi, nhưng đó không phải là “chơi chứng khoán”, đơn giản là may mắn thôi!
– Chốt lời 100 triệu mà lãi 27% tức là vốn của thanh niên này cũng tầm 500 triệu rồi. 16 tuổi lấy đâu ra vốn thế.
– Nếu thị trường này đi theo những phân tích kỹ thuật, tin tức thị trường thì các thầy, cô, người môi giới chứng khoán giàu xụ rồi! Phần thắng chỉ thuộc về khoảng 10% người mập thôi.
– Trong thị trường này, tiền không tự sinh ra và mất đi. Nó chỉ đi từ tài khoản người này sang người kia và ngược lại. Dù có phân tích, suy đoán thì nó cũng như trò đỏ đen thôi. Dù nó là kênh kiếm tiền chính đáng nhưng không dành cho thiếu niên. Nó sẽ ảnh hưởng xấu về tâm lí, suy nghĩ về tương lai của các bạn.
Ngoài ra, cũng có một số người cổ vũ tinh thần cậu nam sinh:
– Tuổi 16 này 10 em là hết 9 em nghiện game, nghiện TikTok… Gia đình nên ủng hộ con em mình theo những điều có ích như thế này, đầu tư thua lỗ là điều bình thường, lời 100 hay 1 tỷ không quan trọng, quan trọng là những điều em trai này đã học được. Chúc thành công.
– Các bác buồn cười quá, tuổi này bên cạnh ăn học ra mà em ấy có kiến thức tài chính, có ý thức đầu tư, kiếm tiền là quá tốt. Tầm này mấy bạn học sinh không phải ăn chơi ra thì em ấy là hiếm có khó tìm. Các bác không biết chứ giới phụ huynh 6x-8x tri thức, họ cũng cho con cái tiếp cận đầu tư tài chính từ bé rồi. Thấy một tấm gương như này không khuyến khích còn nói lời tiêu cực thì không hay tí nào.